Kiến thức Wiki
Kiến thức Wiki
Advertisement
Bài ca ngất ngưởng Sách

Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Vũ trụ nội mạc phi phận sự[1]
Ông Hi Văn[2] tài bộ[3] đã vào lồng[4]
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông[5]
Gồm thao lược<refthao lược: Tài dùng binh (Tam lược và Lục thao là hai bộ sách về binh pháp xưa kia).></ref> đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây[6], cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn[7] giải tổ chi niên[8]
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng[9]
Kìa núi nọ[10] phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì[11]
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng[12]
Khen chê phơi phới ngọn đông phong[13]
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú[14]
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung[15]
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

  • Chú thích:
  1. Vũ trụ nội mạc phi phận sự: Mọi việc trong trời đất, chẳng có việc nào không phải phận sự của ta.
  2. Hi Văn: Hiệu của Nguyễn Công Trứ. Chú ý cách Nguyễn Công Trứ tự gọi là ông Hi Văn.
  3. tài bộ: Tài năng lớn (đã bộc lộ thành phong cách, bộ dạng).
  4. vào lồng: Ý nói đã ra làm quan là bị bó buộc như bị giam hãm trong lồng.
  5. Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông: Việc đỗ đạt và các chức quan Nguyễn Công Trứ đã làm.
  6. bình Tây: Bình định Trấn Tây, miền biên giới tây nam nước ta.
  7. Đô môn: Kinh đô.
  8. giải tổ chi niên: Năm cởi áo mũ, có nghĩa là năm cáo quan về hưu.
  9. Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng: Lúc về hưu, ông thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa (thiên hạ cưỡi ngựa, riêng Nguyễn Công Trứ cưỡi bò). Ông còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò và nói để che miệng thế gian.
  10. núi nọ: Núi Đại Nại gần thị xã Hà Tĩnh.
  11. Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì: Đi chơi chùa nhưng Nguyễn Công Trứ lại đem cô đầu đi theo.
  12. người tái thượng: Người ở trên cửa ải. Điển: Tái ông thất mã.
  13. Khen chê phơi phới ngọn đông phong: Ai khen chê cũng mặc, cứ vui phơi phới như ngọn gió xuân.
  14. Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú: Những danh tướng đời Hán và đời Tống của Trung Quốc: Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật.
  15. đạo sơ chung: Nghĩa thuỷ chung, trước sau như một.

Phân tích[]

Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất, hiệu là Hi Văn, sinh năm 1778, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Nguyễn Công Tấn, đậu hương cống, từng làm tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình), sau đó do hưởng ứng phong trào phò Lê chống lại Tây Sơn, nên được triều Lê phong tước Đức Nghi Hầu.

Nguyễn Công Trứ là một người tài năng hiếm có về nhiều mặt, đã sớm xác định con đường tiến thân bằng khoa bảng công danh. Thời trẻ, Nguyền Công Trứ học hành cần mẫn, nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ giải nguyên. Cuộc đời làm quan của ông lên xuống bất thường, vậy mà lúc nào ông cũng ôm ấp chí lớn và giữ đạo tôi trung Nguyễn Công Trứ hăng hái thi hành chức trách, phận sự, kể cả việc nhiều lần đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, nhưng không thể mất yếu tố tiến bộ của nhà nho chân chính. Khi làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Trong việc khai khẩn đất hoang, đắp đê lấn biển. Nguyễn Công Trứ đã Đem lại lợi ích cho nhân dân ở nhiều nơi, đáng kể là vùng Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, mặc dù đã 80 tuổi. Nguyễn Công Trứ vẫn dâng sớ xin cầm quân đánh giặc. Cũng năm đó, ông qua đời.

Nguyễn Công Trứ là hiện tượng đặc biệt về một kẻ sĩ mà lại có cuộc sống phóng túng và cá tính tự do, độc đáo.

Thơ ca còn lại của Nguyền Công Trứ gồm khoảng 50 bài thơ, trên 60 bài ca trù, một bài phúng, đều viết bằng chữ Nôm. Ngoài ra còn có một số bài thơ chữ Mán, một số câu đối Nôm.

Bài ca ngất ngưởng là tác phẩm được viết vào sau năm 1848, lúc Nguyễn Công Trứ cáo quan về hưu. Đây là tiếng nói của Hi Văn sau quãng đời hoạn lộ gập ghềnh. Thời kì suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam được đánh dấu bằng sự xuất hiện của con người khát vọng tự do (như Chim trong lồng của Nguvền Hữu Cầu), người anh hùng “phản nghịch” (như Từ Hải trong Truyện Kiều), người phụ nữ “nổi loạn" (trong thơ Hồ Xuân Hương)... Cũng là sự phản ứng với hoàn cảnh, nhưng ở Nguyễn Công Trứ, sự biểu hiện chủ yếu trên phương diện quan niệm và lối sống bằng hình thức phóng to hình ảnh con người cá nhân đến mức khôi hài. Dưới con mắt của người đời và sự tôn xưng của Hi Văn thì đó là sự ngất ngưởng.

Bài thơ được viết theo thể ca trù hay còn gọi là hát nói, một lối thơ tự do về nhịp điệu, câu chữ. Ở đây, thể tài phù hợp với nội dung cảm xúc của bài thơ.

Kết cấu bài thơ gần như kết câu một bài thơ hát nói, chia làm nhiều đoạn gọi là khổ). Mỗi đoạn được kết bằng câu có từ “ngất ngưởng”, soi sáng những góc độ khác nhau của hình tượng nhân vật trữ tình, trên cơ sở cảm hứng chủ đạo mang tính nhân văn và ý nghĩa chống phong kiến.

Con người ngất ngưởng của Nguyền Công Trứ trước hết là con người tài năng, danh vọng.

Câu thơ chữ Hán mở đầu cô đúc quan niệm lập thân của Nguyễn Công Trứ: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”.

Đây là quan niệm mà ông đã nói nhiều bài thơ, cho rằng con người sinh ra do “ý của trời đất” (“Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý” - Trời đất sinh ra ta là có ý), nên phải có trách nhiệm, phải gánh vác việc đời (Vũ trụ giai ngô phận sự” - Những việc trong vũ trụ đều thuộc trong phận sự của ta). Trong Nguyễn Công Trứ, quan niệm ấy gắn liền với ý tưởng “tu, tề, trị, bình”, với chí làm trai và chủ nghĩa anh hùng mà ông đeo đuổi với tất cả lòng tin tưởng, lạc quan trong suốt cuộc đời.

Sau quan niệm ấy là sự hiện diện một con người tài năng xuất chúng và danh vọng vẻ vang:

“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng...
... có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”

Tính tự thuật qua các nhân vật từ nhân xưng về tên hiệu, quan chức, tài năng đã khắc họa con người cá nhân tự ý thức về mình, mức độ lộ ra ngoài bộ dạng: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng". Câu thơ còn có ý vị trào phúng: một con người tầm cỡ thế mà lại chịu đặt mình vào chiếc lồng hạn hẹp. Nhưng chút cười đùa này thực ra là để khẳng định lòng tự tin của Nguyễn Công Trứ.

Ông không phải không biết chốn quan trường đầy rẫy những dây nhợ nào buộc trói được.

Trong hình thức biểu hiện có sự kết hợp hệ thống từ Hán - Việt và từ Nôm: những từ Hán Việt về quan chức, danh vị thể hiện một tài năng thành đạt gắn liền với xã hội phong kiến; còn từ Nôm là những từ thông dụng được sử dụng linh hoạt trong các câu thơ dài ngắn xen nhau, nhịp điệu nhịp nhàng, đến dàn trải thể hiện con người cá nhân tự do, đồng thời ghi rõ các gốc sự ngất ngưởng ở con người đó là gì: “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Như vậy con người ngất ngưởng ở đây là con người cũng là cơ sở để cá nhân vượt lên khỏi mọi ràng buộc.

Cái ngất ngưởng trong thơ Nguyễn Công Trứ là sự ngất ngưởng trước cuộc đời được mất.

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ được ghi nhận bằng những chiến tích, những lần thăng quan tiến chức.

“Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.

Nhưng cũng có những bước thụt lùi, cay đắng. Theo sử sách ghi thì Nguyễn Công Trứ làm đại tướng, khi bị cách tuột làm lính thú, thăng quan hẳn là do tài năng hơn người của ông. Nhưng còn những lần bị giáng chức? Và còn đó những lời thẩm bình của dư luận. Nguyễn Công Trứ thấy rõ đằng sau sự bất công mà ông phải chịu là mặt trái của xã hội phong kiến. Khi cần ông tố cáo gay gắt:

“Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.
                                                 (Vịnh nhân tinh thế thái)

Tuy vậy, cách biểu hiện thái độ mà Nguyễn Công Trứ đặc biệt lựa chọn là đem đối lập con người mình với thói tục bằng một tư thái ngông nghênh và tiếng cười đắc ý. Sách vở chép rằng lúc về hưu Nguyễn Công Trứ thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò, nói là để che miệng thế gian. Và ông cho việc làm đó là sự ngất ngưởng:

“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.

Bên trong tiếng cười và điệu bộ ấy là triết lí tự nhiên về sự được mất: “Được mất dương dương người tái thượng”. Nguyền Công Trứ đã thông qua điển tích “Tái ông thất mã” để phơi bày bản chất xã hội và đưa ra cách nhìn nhận của mình. Xã hội đầy biến động thời Nguyễn Cóng Trứ thiếu gì cảnh “lên voi xuống chó” và đó là mảnh đất sản sinh quan niệm về sự rủi may. Có điều là ở con người bản lĩnh cứng cỏi và niềm tin ở bản thản như Nguyễn Công Trứ thì quan niệm ấy không thể biến thành tư tưởng hoài nghi làm con người nhụt chí hay bị xô đẩy đến chủ nghĩa “vô vi” của Lão Trang. Trái lại, nó đem đến lí lẽ để ông không phải bận tâm với chuyện đời “nóng lạnh” và thêm vẻ “dương dương”.

Tuy nhiên, đối mặt với sự “được mất” cũng có nghĩa đối mặt với sự giàu nghèo, vinh nhục vốn là những giá trị vật chất tinh thần truyền thống. Hiểu như thế chúng ta sẽ thấy con người “dương dương”, “ngất ngưởng” thực sự là con người có tài năng, phẩm chất vượt lên trên những thế lực xưa nay ngự trị trong cuộc sống con người.

Ngất ngưởng còn biểu hiện trong phong cách, lối sống.

Ở Nguyễn Công Trứ có con người lí tưởng của chí làm trai thời phong kiến. Nhưng cũng có con người cá nhân sống hết mình; có con người hành động hăm hở, lạc quan và con người vui chơi bám đuổi theo sở thích: “Tay kiếm cung... một đôi dì” Nguyễn Công Trứ đã đem hết tài năng và cảm hứng để vẽ bức tranh về cuộc sống riêng của mình: những từ láy đặc tả màu sắc, đường nét {“phau phau”, “đủng đinh”, “phơi phới”), những điệp từ kết hợp với nhịp thơ phóng khoáng (“Khi ca, khi tửu... không Phật, không Tiên...”) Khả năng biểu cảm dồi dào của tiếng Việt đã thể hiện đặc sắc cái phóng túng, đam mê của con người Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một nhu cầu hưởng lạc được thi vị hóa. Nguyễn Công Trứ đã nâng được những gì được mô tả thành một phong cách, thành lối sống, và dụng ý nghệ thuật của nhà thơ là đã biến nó thành hình ảnh trái ngược với những tính giáo điều phong kiến. Hệ tư tưởng Nho giáo đòi hỏi ở mỗi con người trách nhiệm đối với cộng đồng, nhưng lại phủ nhận “cái tôi”, áp đặt lên con người một cuộc sống khắc nghiệt, phi nhân tính. Còn đạo Phật, đạo Giáo thì hướng con người đến con đường thoát tục và giải thích việc đáp ứng những nhu cầu cuộc sống con người là nguyên nhân của sự đau khổ. Từ cuộc sống mà mình làm chủ Nguyễn Công Trứ tìm đến “non tiên’’, “cảnh phật” vì thấy ở đó một thế giới thiên nhiên tươi đẹp gắn với những tư tưởng phong kiến siêu hình vươn lên một cuộc sống đích thực của con người.

Phần kết cấu bài thơ Nguyễn Công Trứ khái quát về con người mình với đặc điểm: một tài năng, hoài bão lớn, sống trong xã hội phong kiến không thể không thấy con đường, lí tưởng của xã hội để thi thố tài năng, làm nên sự nghiệp; một nhân cách và ý thức cá nhân mạnh mẽ, tự tin có đủ điều kiện chủ quan và tiền đề xã hội để đối lập với hoàn cảnh và giải phóng cá tính. Tổng hòa các mặt đó ở một con người, tạo nên phong cách sống ngất ngưởng. Từ “tay ngất ngưởng”, “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” đến “trong triều ai ngất ngưởng như ông” bài thơ đã nâng lên sự khẳng định, đúng hơn là tự khẳng định một con người tiêu biểu cho một kiểu người có tính chất phi chính thống mang đậm sắc “cái tôi” hiện đại ngang nhiên tồn tại trong lòng xã hội phong kiến.


Về nhà thơ Nguyễn Công Trứ[]

Nguyễn Công Trứ

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam trước đây, chưa có nhân vật danh tiếng nào ý thức sâu sắc về bản thân mình và lớn tiếng nói với đời khát vọng cá nhân như Nguyễn Công Trứ. Song, ông không có được vinh dự lớn như Phạm Ngũ Lão – danh tướng được vua Trần trọng vọng lúc đương thời. Vị anh hùng tài sức hơn người này gặp phải bất hạnh lớn, một bất hạnh mang tính chất lịch sử. Đó là sự xuống sức của chế độ phong kiến trong tiến trình của nó.

Khi đã xuống sức, nó không còn hy vọng đẻ ra những anh hùng, ngược lại là bằng chứng của những đố kị và ghen ghét, của sự chà đạp lên khát vọng sống cao cả, phóng khoáng của con người!

Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778 ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân trấn Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh). Tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn. Cha ông là Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, một chức quan chẳng lấy gì làm to của triều Lê, khi phong trào Tây Sơn nổi lên, hết trốn chui, trốn nhủi nơi này lại đến nơi khác, nhà cửa ngày thêm xác xơ. Ngày cha mất, Nguyễn Công Trứ đã 23 tuổi, cả nước như mớ bòng bong, ông lại chưa đỗ đạt gì. Khi vua Gia Long ra Bắc, Nguyễn Du đến yết kiến và được ban khen. Chàng trai Uy Viễn háo hức dâng Thái bình thập sách, hiến kế xây dựng cõi bờ cho triều đình. Nhưng thực ra, người vừa chiến thắng Nguyễn Quang Toản chẳng thèm đoái hoài gì đến phương sách nhiệt nồng kia. Nguyễn Công Trứ đành trở về với “bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ” chờ đến 18 năm sau (1819) có khoa thi, mới đổ Giải nguyên: công thành danh toại! Vậy mà, mười tám năm đằng đẵng ấy, chí làm trai của Nguyễn Công Trứ không mỏi mòn. Trái lại, càng thêm nung nấu!

Trên đường hoạn lộ, Nguyễn Công Trứ từng giữ những chức quan khá to: Tham tri bộ Hình, Thượng thư bộ Binh, Tổng đốc Hải An… Nhưng trên con đường đó, nhà thơ cùng nếm đủ ngọt bùi, chua cay. Không ai như ông, bị giáng chức và cách chức đến ba lần! Có lần từ thượng quan phải đi làm anh lính thú nơi biên ải. Hầu hết là do bị vu oan bởi thói đời ghen ghét, hoặc vì Nguyễn Công Trứ lên tiếng can gián triều đình những việc không nên làm.

Tư tưởng Nguyễn Công Trứ thể hiện rõ ở chí nam nhi: làm người thanh niên phải cố gắng lập công với đời, trả nợ núi sông. Nếu không được thế là nhục, là hèn, chẳng đáng sống nữa! Thời đại Nguyễn Công Trứ không thể sản sinh ra những anh hùng dưới cờ một thể chế chính trị đã cũ. Song, tâm hồn, cốt cách, tài năng, đặc biệt là chí khí của một người như Nguyễn Công Trứ đã góp phần làm nên những việc không nhỏ cho đời. Bỏ qua những lần ông buộc phải cầm quân đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân theo lệnh triều đình, Nguyễn Công Trứ đã làm nên những chiến tích vẻ vang như: dẹp tan giặc khách chuyên quấy phá, cướp bóc vùng biển Bắc Hà, bao nhiêu năm không ai dẹp nổi, lãnh chức Doanh Điền sứ, lập nên hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn và hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất; thi hành chính sách khai hoang ở một loạt các nơi trên đất Bắc, khiến nhân dân nhiều vùng ấm no, sung túc… Việc ấy, nhân dân đã lập đền thờ quan Doanh Điền sứ ngay khi ông còn sống. Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ không hạn hẹp và ích kỉ như chủ nghĩa cá nhân thuần túy. Khi đề cao chí nam nhi, nhà thơ không bao giờ nghĩ đến chuyện vun vén cho riêng mình. Ngay như lúc làm quan to, ông vẫn sống trong cảnh nghèo túng. Sau khi mẹ mất (năm 1832), Nguyễn Công Trứ được cử làm Bố chánh Hải Dương. Lúc từ bộ ra đi, nhà vua dụ rằng: “Khanh nhà nghèo, trẫm vẫn biết, nay ra tân lỵ, cứ giữ lòng thanh liêm như thế, nếu chi dụ không đủ thì mật tấu về, trẫm sẽ chu cấp cho”. ít lâu sau, nhà vua sai thị vệ đem “bán” cho ông 20 bánh thuốc trà trong mỗi bánh có một nén bạc! Nghèo vậy nhưng Nguyễn Công Trứ đã nhiều lần bắt giải lên quan trên những kẻ hối lộ mình. Hoặc như năm 1858, đã tròn 80 tuổi, lại nghỉ hưu, nghe tin quân Pháp đánh Đà Nẵng, các quan dâng sớ xin vua cử ông đi cầm quân ra trận. Nhà vua hỏi ý kiến. Nguyễn Công Trứ thưa: Dù tôi như cái màn, cái lọng rách, cũng không dám từ nan. Còn chút hơi thở nào, xin lên đường ngay. Tiếc thay chàng trai Uy Viễn năm nào nay đã quá già. Tháng mười một năm ấy, ông từ trần.

Những việc ấy chứng tỏ Nguyễn Công Trứ thể hiện cái danh nào. Ông mong mỏi làm sáng danh nam nhi chẳng phải như một kẻ đốt đền mong được nổi tiếng. Trái lại, đó là dịp cống hiến hết sức mình cho cuộc đời, núi sông. Thời đại dù thay đổi, nhưng chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ vẫn là một mẫu mực tinh thần cho bao thế hệ trẻ tuổi noi theo.

Nguyễn Công Trứ sáng tác nhiều và sớm. Ngay khi còn trẻ, nhà thơ đã có những bài vịnh cảnh từng của một anh học trò nghèo. Lúc tuổi già, trầm tĩnh hơn, tiếng nói nồng nàn tình yêu đời, xem thường lợi danh theo nghĩa thông thường. Giá trị nổi bật của thơ văn Nguyễn Công Trứ là tiếng nói mạnh mẽ, thiết tha của một đấng nam nhi mong sớm nhập thế giúp đời. Dĩ nhiên, trong thời Nguyễn Công Trứ sống, xã hội đã xuất hiện nhiều nhố nhăng, trục lợi. Một mặt, thể hiện chí khí của đấng quân tử, thơ văn Nguyễn Công Trứ đã sớm phản ánh các hiện tượng đó. Ông hay khái quát chúng thành những “thói đời đen bạc”. Vì thế, trong nhiều trường hợp, tiếng nói phê phán, đả kích trong văn chương Hi Văn không nhằm một đối tượng cụ thế nào, mà đó là những mặt trái đáng chê trách của xã hội. Tiếng cười trong thơ Nguyên Công Trứ còn thể hiện ở chỗ nhà thơ tự cười mình một phần tự trào, một phần cũng là cợt giễu xã hội. Như đã nói, Nguyễn Công Trứ có một chí khí mạnh mẽ, nên tiếng cười của ông tả trong thơ văn cũng như ngoài đời là cái cười ngông nghênh, nhiều lúc có vẻ sảng khoái nữa. Đương thời, nhà thơ từng viết: Ngàn vàng chắc lấy trận cười. Quả tiếng cười đã là một phẩm chất của Hi Văn. Người xưa đã mất, tiếng cười ấy còn đọng lại muôn đời trong thi ca.

Advertisement