Bên kia sông đuống - Hoàng Cầm (30/4/1920 - 19/8/2013)
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ[1] gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp[2]
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ[3] một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương[4]
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột[5] đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám[6]
Trên núi Thiên Thai[7]
Trong chùa Bút Tháp[8]
Giữa huyện Lang Tài[9]
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi[10] người đua chen
Bãi Trầm Chỉ[11] người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu[12]
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô[13]
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai? - Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che[14]
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời khôn nói năng
Ðêm buông sâu xuống dòng sông Ðuống
Ta mài lưỡi cuốc
Ta uốn lưỡi liềm
Ta vót gậy nhọn
Ta rũa mác dài
Ta xây thành kháng chiến ngày mai
Lao xao hàng cây bụi chuối
Im lìm miếu đổ chùa hoang
Chập chờn đom đóm bay ngang
Báo tin khủng khiếp
Cho giặc kinh hoàng
Từng từng tiếng súng vang vang
Trong đêm khuya thoảng cung đàn tự do
Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ
Xoá cho ta hết những giờ thảm thương
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo lên đống lửa
Mà cánh đồng ta càng chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay[15]
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”
Em ơi, đừng hát nữa lòng anh đau
Mẹ ơi, đừng khóc nữa dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm trong tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
[1] Đông Hồ và Bắc Hồ (tức làng Lạc Thổ) là hai thôn kề nhau bên bờ sông Đuống. Nay hai thôn hợp nhất gọi là Song Hồ. Đông Hồ nổi tiếng về nghề vẽ tranh dân gian ngày Tết: tranh gà lợn, tranh đám cưới chuột, tranh hứng dừa, tranh đánh ghen, tranh các anh hùng thời xưa... nét vẽ vui nhộn, hóm hỉnh, màu sắc tươi tắn, trong sáng.
[2] Giấy vẽ tranh của làng Hồ là loại giấy dó, dày và dai, quét điệp (một chất liệu chế tạo bằng bột vỏ điệp (giống như loài hến), hoà với chất keo, màu trắng tinh nổi cát óng ánh).
[3] Chó dại.
[4] Làng Hồ thường vẽ tranh lợn có xoáy âm dương xanh đỏ - tượng trưng loại lợn giống tốt, hay ăn chóng lớn. Ngày Tết, người ta treo tranh lợn âm dương để mong chăn nuôi phát đạt.
[5] Một đề tài tranh Đông Hồ rất vui nhộn.
[6] Có bản chép: “Mấy trăm năm ước hẹn tình duyên, Tiếng trống hội làng giục giã”.
[7] Thuộc huyện Gia Lương, nam phần Bắc Ninh.
[8] Thuộc huyện Thuận Thành, nam phần Bắc Ninh.
[9] Hay Lương Tài, nam phần Bắc Ninh.
[10] Chợ Hồ trước thuộc xã Song Hồ, chợ Sủi cũng ở bờ nam sông Đuống, trước thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
[11] Thuộc địa phận làng Trầm Chỉ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Làng Trầm Chỉ ở cạnh chùa Dâu, có nghề tơ tằm và dệt vải. Ở bãi Trầm Chỉ, những người phụ nữ Bắc Ninh thường đóng cọc, dăng sợi, dăng tơ để dệt vải, lụa. Có bản chép: “Cổng chùa Dâu tơ hồng dăng nghẽn lối” gợi không khí vắng lặng, lạc hẳn với chủ đề đoạn thơ.
[12] Hai thôn liền kề (Đồng Tỉnh, Xuân Cầu tức Huê Cầu) thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, xưa thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hưng Yên cũng ở Hưng Yên, cũng ở bên kia sông Đuống, Đồng Tỉnh, Huê Cầu là những làng nghề nổi tiếng. Ca dao: “Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu; Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm”.
[15] Có bản chép: “Tiếng em cắt cỏ hôm xưa; Hiu hiu gió rét, mịt mù mưa bay”.
[13] Có bản in là “cơm độn khoai ngô”.
[14] Có bản in là “làng xóm chở che”.
Việt Bắc, tháng 4-1948
Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ về sau.
Nguồn: Bên kia sông Đuống, NXB Văn hoá, 1983